image banner
Phương pháp chia lãi cho xã viên Hợp tác xã
Phương pháp chia lãi cho xã viên Hợp tác xã
Phương pháp chia lãi cho xã viên Hợp tác xã

 Luật Hợp tác xã năm 2003 về phân phối lãi: Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế, lãi của HTX được phân phối như sau: Trả bù các khoản lỗ của năm trước (nếu có) theo quy định của pháp luật về thuế; Trích lập quỹ phát triển sản xuất, quỹ dự phòng và các quỹ khác của HTX; chia lãi cho xã viên theo vốn góp, công sức đóng góp của xã viên và phần còn lại chia cho xã viên theo mức độ sử dụng dịch vụ của HTX. Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, nhu cầu tích luỹ để phát triển HTX, Đại hội xã viên quyết định cụ thể tỷ lệ phân phối lãi hàng năm vào các quỹ và tỷ lệ chia lãi cho xã viên. Xin trao đổi phương pháp chia lãi cho xã viên như sau:

 

(1) Gọi T1 là tổng vốn góp thực tế của xã viên theo Điều lệ và mức phân bổ vốn huy động. Gọi Vxv1, Vxv2, Vxvs là vốn góp thực tế của xã viên thứ nhất, thứ hai, sau cùng (Vxv1, Vxv2, Vxv, trong đó vốn góp vào vốn điều lệ phải nhỏ hơn 30% vốn Điều lệ). T1= Vxv1+Vxv2 +...+ Vxvs . Các đơn vị vốn, tiền công, giá trị hàng hoá, dịch vụ được quy đổi ra đồng Việt Nam.

 

(2) T2 là tổng tiền công của xã viên làm việc theo hợp đồng với HTX. Gọi Cxv1, Cxv2, Cxvs  là công sức của xã viên thứ nhất, thứ hai, sau cùng tính theo bảng lương, tiền công các khoản thu nhập do HTX trả quy ra đồng Việt Nam. T2 = Cxv1 + Cxv2 +…+Cxvs.

 

(3) T3 là tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ xã viên sử dụng (mua) của HTX. Gọi Dxv1, Dxv2, Dxvs là giá trị dịch vụ, hàng hoá của xã viên thứ nhất, thứ hai, sau cùng mua của HTX, tính theo phiếu, hoá đơn bán hàng, hợp đồng vay, phiếu thu dịch vụ, các hình thức thanh toán quy ra đồng Việt Nam. T3 = Dxv1 + Dxv2 +…+Dxvs.

 

(4)  T là tổng của: vốn góp thực tế theo Điều lệ của HTX và vốn huy động, tổng tiền công của xã viên, tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ xã viên sử dụng của HTX. T= T1 + T2+ T3

 

(5) Gọi L là tổng số lãi được chia cho xã viên.

 

(6) Gọi l là mức chia lãi bình quân cho một đồng xã viên góp vốn, công sức, mức sử dụng hàng hoá dịch vụ. l = L : (T1+ T2+ T3)

 

Lãi mà mỗi xã viên được HTX chia là: Xã viên thứ nhất bằng : = l  x ( Vxv1 + C xv1+ D xv1); Xã viên thứ hai  bằng : = l  x ( Vxv2 + C xv2+ D xv2); Xã viên sau cùng bằng : = l  x ( Vxvs + C xvs+ D xvs).

 

Trường hợp cần khuyến khích vốn góp, hay công sức, hoặc mức sử dụng hàng hoá dịch vụ trong năm do Đại hội xã viên quyết định tỷ lệ của từng loại trong tổng lãi được chia trên cơ sở đánh giá đóng góp của từng loại. Ví dụ như mua bán vật tư chỉ dùng vốn huy động thì tăng tỷ lệ chia lãi cho xã viên góp vốn huy động vào hợp đồng kinh doanh vật tư.

 

Ví dụ: HTX A chia lãi bình quân theo T:

- Vốn Điều lệ là 70 triệu đồng vốn huy động là 30 triệu đồng, T1 = 100 triệu đồng;

- Tổng tiền công của xã viên làm việc theo hợp đồng với HTX là T2  =21 triệu đồng;

- Tổng giá trị hàng hoá dịch vụ xã viên sử dụng của HTX theo phiếu, hoá đơn mua hàng là T3 = 108 triệu đồng.

- T= T1+ T2+T3 = 229 triệu đồng.

 

Trong năm 2008 hoàn thành nghĩa vụ thuế, trả tiền công, trả lãi nhà đầu tư bên ngoài góp vốn theo Điều lệ HTX,  tổng lãi được chia cho xã viên là  L = 25 triệu đồng.

 

Đại hội xã viên quyết định chia lãi theo theo T, mức chia lãi cho một đồng đóng góp là l.

 

     l =  L: (T1+ T2+ T3) = 25 triệu đồng: 229 triệu đồng = 0,1091703 đồng

 

Mỗi đồng vốn góp, công sức, sử dụng hàng hoá dịch vụ của HTX đều được chia  0,1091703 đồng lãi.

 

Phương pháp chia lãi  trên có ưu điểm:

 

(1) Đã xem xét đến việc góp vốn Điều lệ, góp vốn huy động của xã viên (tiên quyết) để tạo vốn cố định và vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, nhưng sẽ có lợi cho một người góp nhiều vốn điều lệ (29,9%) và vốn huy động, thậm chí có người nhờ người khác góp vốn nếu biết khả năng sinh lời của kinh doanh, nhưng thua lỗ, rủi ro, thiệt hại,... phải giải thể thì các xã viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình, có thể không thu hồi đủ vốn góp, đây là nguyên tắc người góp vốn được hưởng lãi từ kết quả kinh doanh chung. Người có vốn có thể không lao động trực tiếp (người già, người giàu, người làm việc khác, người thực lợi) nhưng vẫn sử dụng dịch vụ của HTX cho gia đình xã viên. Trường hợp ở Thái Lan, nhà vua dùng quỹ hỗ trợ Hoàng gia góp vốn có thời hạn vào HTX sau đó rút vốn góp vào HTX khác và để lại lãi cho HTX là một gợi ý tốt đối với hoạt động tài trợ của các Quỹ, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.

 

Cảnh báo nguy cơ, người quản lý vốn tiêu lạm vốn do chi  tiền công, phí vận tải, kho bãi, quản lý phí… vượt định mức; nhận hoa hồng quá mức của người bán, người  mua làm giảm lãi! Thực tế điều này đã từng xảy ra ở các dịch vụ mà bên bán khuyến mại như phân bón, giống, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, gia cầm, vật tư, hàng tiêu dùng,…khiến cho xã viên không muốn mua hàng hoá dịch vụ của HTX. Thực tế mức độ cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp của HTX dịch vụ nông nghiệp rất thấp, không có sức cạnh tranh với doanh nghiệp, hộ buôn bán. (Hiện nay HTX bảo đảm các dịch vụ làm đất: 3,3%; bảo vệ thực vật : 2,2%; Thú y: 9.2%; Phối giống gia súc, gia cầm: 0,7%; Bán sản phẩm nông nghiệp: 1,3 %; cung cấp thông tin thị trường: 2,6%; đa số là các hộ nông dân tự cung, tự cấp các khâu sản xuất-tiêu thụ- Báo cáo của Trung tâm Phát triển nông thôn- RUDEC,2007).  Nhiều HTX làm tốt dịch vụ đầu vào, ra đã giữ được xã viên quan hệ mua bán lâu dài, ổn định thị trường đến mức xã viên không mua bên ngoài những thứ mà HTX có, đây là nguyên tắc giữ khách phổ biến của kinh doanh theo cơ chế thị trường.

 

(2) Động viên người góp công sức lao động trực tiếp và lao động quản lý, sau khi họ được hưởng tiền công đầy đủ vẫn được chia lãi theo số tiền công đóng góp, đây là nguyên tắc phân phối lại.

 

(3) Khuyến khích việc sử dụng hàng hoá dịch vụ của HTX tạo doanh thu trực tiếp sinh ra lợi nhuận của HTX, người nào mua, sử dụng nhiều được chia lãi nhiều, đây chính là nguyên tắc truyền thống của các HTX. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp nếu xã viên được hưởng với giá thấp thì không chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ.

 

Lãi được chia cho xã viên là kết quả của nhiều hoạt động của xã viên, không thể chia lãi cho riêng người góp vốn, riêng cho người góp công, hay chỉ theo mức độ sử dụng dịch vụ.

 

Nhược điểm của phương pháp trên: Khi cộng tiền công, giá trị sử dụng dịch vụ năm tài chính với vốn góp từ những năm trước là không hợp lý. Có thể xử lý bằng cách: (1) Quy đổi vốn góp ra giá trị thực của năm tài chính theo nguyên tắc lấy vốn góp nhân (x) với tỷ lệ lạm phát của các năm tính từ năm góp vốn. (2) Tham khảo giá chuyển nhượng vốn góp mà xã viên được phép chuyển nhượng nội bộ. Ban Quản trị HTX lập hội đồng định giá, hoặc thuê tư vấn xác định hệ số quy đổi vốn góp để chia lãi.

 

Ưu điểm của phương pháp trên là cơ bản vì HTX là loại hình kinh tế tập thể, ở đó xã viên đã chia sẻ lợi ích cho nhau, cùng góp vốn, cùng góp sức, cùng tiêu dùng hàng hoá dịch vụ của HTX và cùng hưởng thành quả, đó là nguyên tắc: tự nguyện-dân chủ, bình đẳng-tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi- tự quyết phân phối thu nhập.

 

Trên thực tế, HTX có thể không chia lãi cho xã viên bởi những lý do: Vốn góp được bảo toàn và phát triển, tiền công được trả đầy đủ, xã viên được sử dụng dịch vụ, mua hàng hoá giá thấp, bán hàng hoá dịch vụ cho HTX với giá cao hơn thị trường; HTX quy định toàn bộ lãi được chuyển vào các quỹ.

 

Phương pháp chia lãi cần đưa vào quy chế của HTX được Đại hội xã viên thông qua, phương án chia lãi đến từng xã viên được công khai, niêm yết tại trụ sở, hoặc gửi tới các tổ đội.

 

HXT hướng vào lợi ích kinh tế của xã viên nhưng lợi ích đó phải định lượng bằng giá trị. HTX không chạy theo lợi nhuận tối đa bằng mọi giá nhưng HTX kinh doanh trên thị trường phải có lãi tối đa; phục vụ xã viên phải hoà vốn, lãi vừa phải chứ không phải là bao cấp cho xã viên, trường hợp hỗ trợ xã viên nghèo khó phải có quy định rõ và kiểm soát vốn vay, vật tư ứng trước, chỉ dẫn cách làm ăn.

 

Các khoản hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức cá nhân hình thành tài sản không chia, tài sản đó cùng với các nguồn hỗ trợ khác như vay vốn lãi suất thấp từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các tổ chức tín dụng khác,…giúp HTX giảm chi phí sản xuất, kinh doanh giảm giá dịch vụ, sản phẩm bán cho xã viên chứ không phải là lợi ích của số ít người.

 

Quy chế của HTX càng rõ ràng thì việc hạch toán, phân phối lãi càng thuận lợị, các Ban quản trị HTX cụ thể hoá, công khai hoá nguyên tắc phân phối lãi sẽ tự tin hơn khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

 

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

(Nguồn: Website Liên minh HTX Việt Nam)


THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1