image banner
Nghệ An: Đồng bào DTTS liên kết sản xuất để thoát nghèo
Phát triển hợp tác xã (HTX) theo mô hình liên kết chuỗi giá trị được chính quyền tỉnh Nghệ An xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Nhiều hộ dân đồng bào DTTS liên kết với HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường (Quỳ Hợp, Nghệ An) để phát triển kinh tế
 
Theo Liên minh hợp tác xã Nghệ An, hiện nay, tại 11 huyện miền núi tỉnh Nghệ An có 318 hợp tác xã (HTX), tạo việc làm cho gần 30.000 lao động với mức thu nhập trung bình đạt 3,6 triệu đồng/lao động/tháng. Theo đánh giá, tại các địa phương miền núi, HTX đã mở rộng phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, thu hút nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững.
Xuất phát từ mong muốn khôi phục lại nguồn dược liệu trong tự nhiên tại xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đồng thời giúp bà con địa phương từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, tháng 4/2022, anh Lá Văn Duy và cộng sự đã vay vốn của ngân hàng để thành lập HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường. Từ lợi thế đất đai, cũng như khí hậu, HTX đã triển khai trồng trồng cây dược liệu với diện tích khoảng 10ha. Điều này góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên mảnh đất quê hương.
Hơn nữa, cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, HTX còn tuyên truyền người dân thực hiện liên doanh, liên kết trồng cây dược liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm bà con trồng được. Từ năm 2022 đến nay, dưới sự cầm tay chỉ việc của các thành viên HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường, nhiều hộ dân (đặc biệt là bà con đồng bào DTTS) đã biết đưa cây dược liệu quý ở rừng về trồng trong vườn nhà, qua đó tạo ra nguồn thu nhập ổn định…
Bà Lá Thị Lan (trú tại xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp) vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, do không có nhiều hiểu biết, trong vườn nhà tôi chỉ trồng các loại cây ăn quả đơn giản như: bưởi, ổi, mỗi năm cho thu hoạch một vụ và năng suất kinh tế không cao. Từ ngày HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường ra đời, tôi được tuyên truyền, vận động chuyển hướng qua trồng các cây dược liệu nhất là rau má, nên kinh tế gia đình được cải thiện nhiều”.
Các HTX thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào DTTS miền núi tỉnh Nghệ An.
 
Ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Hiện nay, HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường trên địa bàn xã Yên Hợp đã phát triển được vùng nguyên liệu lớn. Họ hướng dẫn bà con nhân dân trồng nhiều loại cây dược liệu khác nhau, góp phần cải thiện thu nhập, tiến tới giảm nghèo bền vững”.
Tương tự, HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đình Phong (tại xã Đình Phong, huyện Tương Dương) cũng là một điểm sáng về mô hình kinh tế tập thể giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. 
Bà Hà Thị Hương, dân tộc Thái, Giám đốc HTX chia sẻ, nhân thấy việc các hộ dân tại địa phương nuôi cá lồng với quy mô nhỏ lẻ, kém hiệu quả, nên sau khi thành lập HTX Đình Phong vào năm 2020, bà đã kêu gọi, vận động các hộ dân tham gia sản xuất liên kết. Các hộ dân tham gia vào hợp tác xã được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá. Hiện nay, HTX đã quy tụ được 13 thành viên với 68 lồng cá.
"Từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thuỷ điện Khe Bố, nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hoá như: cá leo, cá lăng đen, cá trắm đen, cá bọp, cá vược… đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Thị trường tiêu thụ cá của hợp tác xã không chỉ trong nội huyện mà còn có mặt dưới xuôi. Hiện nay, thu nhập mỗi thành viên HTX đạt gần 100 triệu đồng/năm”, bà Hương chia sẻ.
Bà Vi Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: HTX dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Đình Phong hiện được đánh giá là hoạt động tốt, hiệu quả cao. Ngoài hỗ trợ xã viên kiến thức chăn nuôi, hướng dẫn bà con cách nuôi gối vụ để có cá bán quanh năm thì hợp tác xã đã kết nối để tạo đầu ra ổn định cho cá lồng của xã viên, đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Còn ở huyện miền núi Con Cuông, hiện có 37 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều đáng nói, nhiều HTX đã xây dựng được các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên là đồng bào DTTS. Tiêu biểu trong số đó là HTX cây con xã Chi Khê; HTX dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản khe Rạn; HTX mây tre đan Bản Diềm xã Châu Khê...
Đời sống người dân vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An được nâng cao nhờ tích cực tham gia liên kết sản xuất với các HTX.
 
Đặc biệt, ở HTX Dược liệu Pù Mát của ông Phan Xuân Diện (huyện Con Cuông), sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, giảo dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam.
Ông Phan Xuân Diện chia sẻ, HTX hiện đang thu hút 130 thành viên là các hộ dân đồng bào DTTS tham gia vào chuỗi sản xuất với diện tích hơn 15 ha nguyên liệu. Sắp tới, HTX đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu lên 32 ha. Từ ngày thành lập, HTX đã giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS mở hướng phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, hợp tác xã cung cấp giống, kỹ thuật, bên cạnh đó còn đảm bảm bao tiêu sản phẩm, cả đầu vào và đầu ra cho bà con.
Ông Nguyễn Bá Châu, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An cho biết: “Vùng đồng bào DTTS, miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển theo mô hình HTX, nhất là sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, do thiếu nhạy bén nên việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn chuỗi giá trị còn ít. Tại một số địa phương, quá trình hoạt động, các HTX còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn”.
Theo ông Châu, giải pháp để nâng cao năng lực hoạt động của các HTX miền núi chính là cần sự vào cuộc, đồng hành tích cực của hệ thống chính trị các địa phương; đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ đặc thù của các địa phương miền núi với việc phát triển các mô hình HTX. Bên cạnh đó, Liên minh hợp tác xã sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực của người quản trị HTX; tổ chức và kết nối các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo nhằm quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của các HTX. Mặt khác, chính mỗi HTX, người đứng đầu của các HTX cũng như các thành viên phải nỗ lực phát huy nội lực, năng động, thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh.
Với việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó có các nội dung về hỗ trợ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo nguồn lực để các địa phương miền núi đẩy mạnh việc phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, phát huy vai trò “trụ đỡ” trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1