image banner
Một số vấn đề cần quan tâm trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển công nghiệp xây dựng và các ngành, lĩnh vực trọng điểm, Nghệ An cũng đã rất quan tâm đến phát triển các loại hình kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác (HTX).
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 903 HTX, trong đó HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp là 690 HTX; hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp là 213 HTX. Cùng với đó là các làng nghề, tổ hợp tác cũng được quan tâm hỗ trợ củng cố và phát triển.  
Thông qua hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, làng nghề đã khai thác và phát huy khá tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương và đã phát triển khá phong phú, đa dạng các dòng sản phẩm trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, Nghệ An có 567 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 269 sản phẩm của 110 HTX và 56 tổ hợp tác.
Với vai trò của mình, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực chủ động, phối hợp với các ngành tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hỗ trợ cho các tổ hợp tác, HTX phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường như: tổ chức Hội chợ xanh khu vực HTX làng nghề, Phiên chợ quê, Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối cung cầu cho các HTX; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại và đầu tư; các chương trình xúc tiến thương mại kết nối cung cầu; các Diễn đàn kinh tế tập thể, HTX tại các tỉnh... nhằm tạo điều kiện cho các HTX học tập, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm của các HTX đến với người tiêu dùng, đồng thời kêu gọi hợp tác đầu tư.
image001 1
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố tham dự Lễ khai trương các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khu vực KTTT, HTX tổ chức tại Thành phố Vinh, Nghệ An tháng 5/2024

Liên minh HTX tỉnh cũng đã tích cực phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm hàng hoá có chất lượng; đồng thời thực hiện việc quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm như: Chính sách về xây dựng mô hình liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chính sách về xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm sạch; chính sách về truy xuất nguồn gốc hàng hoá; xây dựng trang Website quảng bá sản phẩm... Thông qua đó, các sản phẩm hàng hoá của khu vực KTTT tỉnh Nghệ An đã được quan tâm quảng bá, giới thiệu, kết nối và được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Tuy nhiên, thực tế tại trên địa bàn tỉnh hiện nay, số lượng sản phẩm hàng hoá của khu vực KTTT khá phong phú và đa dạng nhưng tính cạnh tranh trên thị trường vẫn khó khăn; khu vực KTTT chưa có được các sản phẩm có tính thương hiệu nổi trội để vươn ra các thị trường khó tính.
Để thúc đẩy và hỗ trợ có hiệu quả việc tiêu thụ sản phẩm cho khu vực KTTT, HTX, thời gian tới cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường công tác bồi dưỡng khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin cho các HTX, trước hết là Giám đốc và cán bộ quản lý các HTX, tổ hợp tác. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn để trang bị các kiến thức liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các trang Web quảng bá, kết nối, gắn với thực hiện chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX. Đồng thời hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.
Hai là, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho HTX, tổ hợp tác có điều kiện để thực hiện các hoạt động để quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là trong việc xây dựng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng trang Web để quảng bá, giới thiệu; xây dựng gian hàng online; xây dựng các cửa hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm...
Ba là, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ để các HTX, tổ hợp tác đẩy mạnh các hoạt động liên kết (có thể hình thành liên hiệp hoặc hội...) để tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cùng tạo ra một dòng sản phẩm cùng chủng loại, đủ mạnh về số lượng, có chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường.
Bốn là, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác được tham gia nhiều hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, các diễn đàn, hội chợ, phiên chợ. Thông qua đó để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và có điều kiện để tiếp cận, kết nối cung cầu, tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khu vực KTTT tốt hơn.
 
BBT
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1