image banner
Thổ cẩm Hoa Tiến từ vùng cao xứ Nghệ đến bạn bè quốc tế
Tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có một gia đình người Thái bao đời luôn trân trọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, của gia đình như một di sản văn hóa quý giá. Đặc biệt, các thế hệ trong gia đình này luôn ý thức truyền nghề cho hế hệ sau. Cô gái trẻ Sầm Thị Tình là thế hệ thứ tư đã khởi nghiệp và bước đầu đã gặt hái những trái ngọt từ nghề truyền thống của gia đình
Sầm Thị Tình đang sắp xếp, trưng bày sản phẩm tại gian hàng thổ cẩm ở Malaysia.
Sầm Thị Tình đang sắp xếp, trưng bày sản phẩm tại gian hàng thổ cẩm ở Malaysia.
 
Sinh ra, lớn lên trong cái “nôi” thổ cẩm bản Hoa Tiến, từ lúc 7 - 8 tuổi, cô bé Sầm Thị Tình đã được mẹ của mình là Sầm Thị Bích, Giám đốc HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến truyền dạy, hướng dẫn cách dệt vải thổ cẩm. Từ đó, tình yêu với nghề dệt đã được nhen nhóm, hình thành, cô đã tự mình tạo ra những sản phẩm dệt. Đặc biệt, cô đã tiếp thu, sáng tạo được những hoa văn mới, những mặt hàng thổ cẩm có tính ứng dụng cao. 
Hiện nay, ngoài những sản phẩm truyền thống như váy, áo, khăn piêu..., Sầm Thị Tình đã thiết kế, gia công nhiều sản phẩm có giá trị như: Khăn dệt tơ tằm, khăn lụa, túi ví, giày dép thổ cẩm, thú bông, các sản phẩm trang trí trong nhà như vỏ gối, khăn trải bàn...
Sầm Thị Tình cho biết, nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến, là bảo tồn những giống tằm địa phương cùng quá trình canh tác dâu, trồng bông thủ công. Bà con nơi đây biết sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả có sẵn trong vườn, trong rừng để chế thuốc nhuộm màu. Đến nay, Hoa Tiến đã chế được 52 màu để nhuộm cho nhiều chất liệu (vải tằm thô, lụa, vải bông, vải linen).
Bên cạnh đó, người Thái ở Hoa Tiến còn bảo lưu kỹ thuật dệt - nhuộm với độ tỉ mỉ và hoàn thiện cao điển hình kỹ thuật dệt ikat, tạo ra các hoa văn độc đáo trên các tấm vải, khăn. Các sản phẩm từ Hoa Tiến rất đặc trưng, với vải có độ thô nhất định từ chất liệu, đường thêu chắc chắn, màu nhuộm tự nhiên đa dạng, bền đẹp với thời gian.

 

Cô gái dân tộc Thái Sầm thị Tình đang trao đổi kỹ thuật dệt vải với nghệ nhân dệt Malaysia
Đặc biệt, những năm gần đây, Sầm Thị Tình đã đưa sản phẩm của HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến lên nhiều kênh Online, giới thiệu đến với khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2015, theo gương mẹ, cô mở cửa hàng thổ cẩm tại Hà Nội, với tên giao dịch tiếng Anh: Hoa Tien Brocade. Đây là bước khởi nghiệp quan trọng, giúp cô quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ đó, thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn thông qua các hoạt động du lịch, thương mại, liên kết với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống từ HTX và các dân tộc ở nhiều địa phương khác.

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, “cô gái thổ cẩm” còn đưa sản phẩm của miền Tây xứ Nghệ vươn xa ra “biển lớn”. Tháng 9/2022, Sầm Thị Tình đăng ký tham gia trưng bày một gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm bên lề Hội thảo nghề dệt may truyền thống các nước ASEAN (TTAS), do nước chủ nhà Malaysia đăng cai, tổ chức tại thủ đô Putrajaya. 
Gian hàng của cô nổi bật giữa không gian trưng bày, thực hành, trình diễn nghề thủ công của các dân tộc ở các nước Đông Nam Á. Cô chủ của gian hàng cũng tạo ấn tượng hơn khi mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, với chiếc áo (xửa cỏm), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu)... Du khách rất thích thú khi được quấn thử chiếc khăn piêu có hoa văn tinh xảo và sắc nét, ngắm nghía những chiếc chân váy với các họa tiết thêu bắt mắt.
 
Sầm Thi Tình tặng tấm chân váy cho Hoàng hậu Malaysia.
Tại đây, cô đã bán được nhiều sản phẩm thổ cẩm, đủ trang trải kinh phí tự túc cho chuyến đi. Ấn tượng nhất là Hoàng hậu Malaysia khi đến tham quan rất thích thú với bộ trang phục và sản phẩm thổ cẩm dân tộc Thái của Sầm Thị Tình. Đáp lại sự yêu thích của Hoàng hậu, cô đã tặng cho Hoàng hậu tấm thổ cẩm đẹp nhất trong số sản phẩm mình mang theo.

Sầm Thị Tình chia sẻ, chuyến “xuất ngoại” mang thổ cẩm đến vùng Mã Lai Đa Đảo trong năm qua, là điều may mắn đối với cô. Cô đã có cơ hội trải nghiệm cách bán hàng thủ công truyền thống tại một sự kiện quan trọng; được tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những người thợ thủ công truyền thống. Hơn thế nữa cô đã tìm hiểu được nhiều hơn về thị trường để có thêm động lực theo đuổi, phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình.
Theo Báo Dân tộc và phát triển
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1