image banner
Đào tạo nhân lực làng nghề: Đâu phải chỉ dạy cái ta có!

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 24% lao động nông thôn. Đã có 28,2% làng nghề có công việc ổn định liên tục suốt 12 tháng trong năm. Kết quả khảo sát các làng nghề trong những năm qua cho thấy, 69,52% làng nghề hiện đang gia tăng số lượng lao động qua từng năm, 12,86% làng nghề có số lượng lao động ổn định, 30,8% làng nghề có số lượng lao động suy giảm.

Số lao động làng nghề bình quân đã qua đào tạo hiện mới chỉ đạt tỷ lệ 12,3%. Lao động làng nghề hiện nay phân làm 2 nhóm rõ rệt: nhóm làm việc không thường xuyên, ít được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng, thường làm ra những sản phẩm đơn giản; nhóm những người có kỹ năng bài bản, làm việc thường xuyên trong những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp.

 Ông Lưu Duy Dần- Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề- cho biết, từ tháng 12/2010, theo chỉ đạo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ- TB&XH), Hiệp hội đã nhận chỉ tiêu đào tạo 2.610 học viên gồm 28 nghề, tại 22 cơ sở thành viên của Hiệp hội thông qua 3 mô hình: Đào tạo nghề và tổ chức việc làm để xây dựng làng nghề mới, áp dụng đối với những địa phương chưa có nghề truyền thống, thiếu ruộng đất nhưng có nhiều nhân lực, thiếu việc làm, có nhu cầu quy hoạch làng nghề mới do chính quyền địa phương đề xuất; đào tạo nghề, tổ chức việc làm kết hợp vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm thủ công xuất khẩu; đào tạo nghề để duy trì phát triển các làng nghề truyền thống. Thời gian đào tạo trong 3 tháng. Đến nay, trên 80% số học viên sau đào tạo đã có việc làm.

Ông Vũ Quốc Tuấn- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam- nhận định: Trong nông thôn đang có nhiều nghề có khả năng phát triển cần được quan tâm đưa vào chương trình dạy nghề như: chế biến gỗ, sơn mài, chạm khảm, đồ gốm, đồ đồng, mây tre đan, thêu ren, dệt... Song đáng buồn là một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, vì người lao động không thiết tha với nghề, thậm chí bỏ làng đi xa để kiếm việc có thu nhập cao hơn. Do đó, việc đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn là hết sức cấp thiết, để phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, lưu giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Cả nước hiện có 90 trường cao đẳng nghề, 214 trường trung cấp nghề, 684 trung tâm dạy nghề và trên 1.000 cơ sở khác có dạy nghề. Nhiều cơ sở dạy nghề được xây dựng bề thế, nhưng việc dạy nghề chưa đạt yêu cầu, chưa gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, do đó nhiều người học xong không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận họ phải tốn thời gian, kinh phí để đào tạo lại. Một thực trạng mà nhiều cơ sở đào tạo nghề ở nước ta đang mắc phải là "cái cần không dạy, cái không cần lại dạy".

Một câu hỏi lớn đặt ra: Làm thế nào để việc dạy nghề đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, tránh tình trạng "dạy cái ta có, không dạy cái người cần"?

Theo ông Tuấn, việc đào tạo nghề cho lao động làng nghề nên triển khai ở cả 3 cấp độ: đào tạo cho những lao động phổ thông chưa biết nghề để họ có ít nhất một nghề thông thạo; bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có nghề nhưng chưa thành thạo, để họ trở thành thợ giỏi; bổ túc kiến thức khoa học, công nghệ mới cho các nghệ nhân để họ cập nhật được những yếu tố mới.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh "xã hội hóa" trong công tác đào tạo nghề, nghĩa là bên cạnh hệ thống trường lớp, các cơ sở công lập cần thu hút các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp tham gia vào việc dạy nghề; tổ chức những lớp dạy nghề ngay tại mỗi làng nghề, học viên là lao động trong làng, thày dạy là những nghệ nhân, thợ giỏi, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề, thù lao cho giảng viên...

Để tổ chức đào tạo lao động làng nghề có hiệu quả, Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể phát triển làng nghề trong cả nước. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển làng nghề của từng địa phương.

Tuy nhiên, nói thì dễ mà thực hiện khó thay. Trong khi đó, nguồn nhân lực cho làng nghề ngày càng thiếu và yếu!

Thu Hường

(Nguồn Báo Kinh tế hợp tác)

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1